“Một đô thị nhân văn, với những khu phố di sản thấm đẫm kỷ niệm và ký ức nơi chốn, sẽ là nơi tuyệt vời để sống, cống hiến và nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện cho mọi cư dân của nó, bởi sự bện kết văn hóa đô thị được lưu truyền qua nhiều thế hệ”. TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – công trình Trường Đại học Phương Đông, người có nhiều năm nghiên cứu về bảo tồn các công trình thời Pháp thuộc trả lời phỏng vấn để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Hà Nội là thành phố có nhiều di sản đô thị, từ khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tới khu Phố cổ, khu phố Pháp, và đặc biệt là không gian Hồ Gươm và phụ cận. Ông nhận định như thế nào về hệ giá trị của di sản đô thị Hà Nội?
Nói về quỹ di sản kiến trúc và đô thị của Hà Nội, chúng ta nói về một đô thị có hơn 1000 năm lịch sử, với quỹ di sản đồ sộ, đa dạng, đa tầng và đa giá trị. Thông thường, khi nói về giá trị của các di sản đô thị, chúng ta nói tới các giá trị đã được thừa nhận rộng rãi từ lâu đối với các di tích: giá trị Lịch sử; Văn hóa – Giáo dục; Nghệ thuật kiến trúc – cảnh quan; Thông tin – Tư liệu… Với di sản, chúng ta còn có thêm giá trị Sử dụng, và gần đây chúng ta đề cao giá trị Kinh tế di sản; giá trị trong Tạo dựng hình ảnh đô thị. Tất cả những giá trị này, theo tôi, tổng hòa thành hệ giá trị của di sản đô thị.
Ngày nay, thế giới không chỉ nói đến “địa chính trị”, mà đã và đang nói đến khái niệm mới: “địa kinh tế – văn hóa”. Khái niệm này chỉ ra những nhận thức mới, những hiểu biết mới với khả năng tổng hợp ban đầu về địa lý văn hóa và kinh tế, trong nghiên cứu văn hóa và các chuỗi lý thuyết kinh tế phát triển mới. Văn hóa, hiện nay, không chỉ là động lực cho sự phát triển kinh tế, mà đã phát triển sâu hơn, được nhìn nhận trong cả chiều cạnh không gian địa lý, do đó, văn hóa đang tiến đến như một động lực trong phát triển các không gian kinh tế và đô thị. Trong bối cảnh này, di sản đô thị Hà Nội có cơ hội tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa – sáng tạo. Nếu chúng ta có chiến lược khai thác, phát huy tốt, sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Đầu năm 2023, vườn hoa Diên Hồng (vườn hoa Con Cóc) hoàn thành việc cải tạo và mang một diện mạo mới, góp phần nâng cao chất lượng không gian đô thị, không gian công cộng cho người dân. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa “tiếp sức văn hóa” của việc cải tạo không gian công cộng mang tính di sản này?
Vườn hoa Diên Hồng là một không gian công cộng đầy kỷ niệm đối với nhiều thế hệ người Hà Nội. Bản thân tôi cũng có nhiều kỷ niệm với vườn hoa này. Chắc hẳn, nhiều bạn bè, các thế hệ trước và sau tôi cũng có nhiều trải nghiệm và nhớ về ký ức tuổi thơ đẹp khi nhắc đến cái tên dân dã: Vườn hoa Con Cóc.
Như tôi đã nói ở trên, sự tham gia của các di sản nói riêng và các khía cạnh của văn hóa nói chung trong phát triển không gian kinh tế – đô thị ngày càng được nhìn nhận sâu sắc và rõ nét hơn. Từ quan niệm là động lực gián tiếp, văn hóa được coi là một động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế. Những nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế đã được thể hiện trong nhiều văn bản từ lý luận đến thực tiễn. Sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động kinh tế và phát triển đô thị ngày càng sâu rộng hơn. Thêm một không gian văn hóa, Thủ đô có thêm một địa chỉ sinh hoạt tinh thần cho nhân dân, làm cho Hà Nội trở nên đáng sống hơn, đô thị nhân văn hơn. Một đô thị nhân văn, với những khu phố di sản thấm đẫm kỷ niệm và ký ức nơi chốn, sẽ là nơi tuyệt vời để sống, cống hiến và nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện cho mọi cư dân của nó, bởi sự bện kết văn hóa đô thị được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Với ý nghĩa này, không gian vườn hoa Diên Hồng được nhìn nhận là một di sản cảnh quan đô thị lịch sử, thực sự đóng góp, hay nói như bạn là “tiếp sức văn hóa” cho việc củng cố tính nhân văn ấy, làm giàu thêm văn hóa đô thị Hà Nội.
Yếu tố sáng tạo và mô hình “bảo tồn thích ứng” là những yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn di sản, để không chỉ khôi phục cái gốc mà còn làm sinh động hóa di sản, tạo sức hút cho di sản trong đời sống hiện tại. Có đúng như vậy?
Chúng ta cần phân biệt rõ khái niệm Di tích và Di sản. Khác với di tích vốn đòi hỏi phải bảo tồn nguyên trạng / nguyên vẹn, trong công tác tôn tạo, trùng tu di tích phải cố gắng tối đa phục hồi trở lại trạng thái gốc ban đầu, di sản cho phép có những điều chỉnh, bổ sung thích hợp. Bảo tồn thích ứng là phương pháp bảo tồn chuyển tiếp được các giá trị cũ và bổ sung các giá trị mới phù hợp, làm cho di sản tồn tại được với cộng đồng, với xã hội đương đại. Bảo tồn thích ứng cho phép đưa thêm chức năng mới hoặc điều chỉnh thích hợp chức năng cũ của công trình di sản, sao cho đáp ứng được những yêu cầu sử dụng hiện tại nhưng không làm sai lệch các giá trị vốn có của di sản. Khái niệm thích ứng được hiểu là sự thích hợp, sự phù hợp, không phải chỉ tại thời điểm bảo tồn, mà còn thích hợp ở các giai đoạn khác nhau của đời sống xã hội. Phương pháp này có thể áp dụng cho các di sản đã được công nhận và chưa được công nhận là di tích, song đặc biệt thích hợp cho các di sản không phải là di tích và đang tồn tại “sống” trong cộng đồng.
Chúng ta biết rằng, đô thị là một thực thể “sống”, luôn luôn vận động theo hướng (thường là) mở rộng, thay đổi, tự làm mới sau mỗi chu kỳ phát triển kinh tế và xã hội. Đối với các công trình và cảnh quan đô thị, (có thể được coi là di sản) tại khu phố Cũ (phố Pháp) Hà Nội, bảo tồn thích ứng là hướng đi thích hợp. Một trong những giá trị lớn nhất và quan trọng của nhóm di sản đô thị thời Pháp thuộc là giá trị Sử dụng. Từ hơn 100 năm qua, đa số các công trình được hình thành dưới thời kỳ này đến nay vẫn đang được chúng ta khai thác, sử dụng hàng ngày. Do đó, trong bảo tồn nhóm di sản này, không thể “đóng băng” như bảo tồn di tích, mà phải tiếp tục phát huy giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của chúng. Những công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc biệt, lịch sử nổi trội, hoặc có giá trị lịch sử – gắn với sự kiện / danh nhân quan trọng, thì cần bảo tồn theo hướng phục hồi trạng thái gốc, còn lại, có thể xem xét theo hướng bảo tồn thích ứng. Tôi cho rằng, những công trình ở khu phố trung tâm, có vị trí dễ tiếp cận, không có giá trị nghệ thuật kiến trúc, lịch sử nổi trội, đã được xác định chức năng phục vụ công cộng, thì nên bảo tồn thích ứng thay vì bảo tồn phục hồi nguyên gốc. Cần lưu ý, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào tác động lên công trình, cần khảo cứu kỹ lưỡng, đánh giá đúng giá trị và tình trạng công trình, để có thể đưa ra giải pháp bảo tồn phù hợp nhất.
Nhìn rộng hơn, bảo tồn thích ứng di sản đô thị còn là cơ hội để di sản tham gia vào quá trình Đổi mới đô thị. Đổi mới đô thị được coi là một động cơ kinh tế và một cơ chế cải cách đô thị, thông qua việc thay đổi cơ cấu chức năng để tạo các xung lực phát triển mới. Việc bảo tồn thích ứng, củng cố sức sống bền vững, gia tăng giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cho các di sản này cũng là một khâu trong công cuộc đổi mới đô thị. Tuy nhiên, tất cả quá trình này đều phải đảm bảo di sản không bị hủy hoại, thay thế hay sai lệch cơ bản các giá trị của chúng vốn có.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ áp dụng những yếu tố này trong công tác cải tạo vườn hoa Diên Hồng?
Được người Pháp lên ý tưởng xây dựng từ năm 1897 và hoàn thành vào năm 1901, vườn hoa Diên Hồng ngày nay là một thành tố kết nối trong chuỗi không gian công cộng từ hồ Gươm, qua vườn hoa Lý Thái Tổ, nối dài tới không gian quảng trường Cách mạng tháng Tám và nhà hát Lớn. Cùng với nhiều công trình kiến trúc có giá trị quanh nó như Nhà khách Chính phủ, khách sạn Metropole…, vườn hoa Diên Hồng có vai trò quan trọng trong tổ chức cảnh quan đô thị khu vực phía Đông của hồ Gươm.
Nếu xét theo các tiêu chí bảo tồn thích ứng, bổ sung chức năng… thì có lẽ chúng ta không / chưa cần tác động nhiều đến thế vào không gian này. Tôi cho rằng việc chỉnh trang vườn hoa Diên Hồng đã đạt mục tiêu, bằng các giải pháp thay thế một số vật liệu bề mặt, bổ sung một số tiện ích giúp tạo ra tiện nghi tốt hơn mà không ảnh hưởng đến tính thống nhất của tổng thể. Về tổ chức cảnh quan, vườn hoa cơ bản giữ nguyên không gian cảnh quan đã tồn tại lâu dài qua nhiều thế hệ, song có bổ sung và sắp xếp cây xanh trang trí để tạo môi cảnh thân thiện hơn. Vấn đề còn lại, có lẽ nhiều người cũng nghĩ giống tôi, đó là cần có giải pháp bảo tồn bền vững công trình đài phun nước hơn 120 năm tuổi, có thể xem là đài phun nước lâu đời nhất ở Hà Nội.
Chúng ta cảm ơn UBND quận Hoàn Kiếm, nhà tư vấn và các cơ quan liên quan đã hoàn thành nhanh chóng dự án này, mở lại một không gian công cộng đẹp và thân thiện hơn ngay giữa trung tâm khu phố Cũ cho tất cả mọi người. Một số sự kiện văn hóa, triển lãm về kiến trúc diễn ra trong thời gian vừa qua và sắp tới tại vườn hoa Diên Hồng đã và đang góp phần làm giàu thêm tính văn hóa, nhân văn của không gian công cộng này.
Trên thế giới có những phương hướng bảo tồn kiến trúc di sản nào đáng chú ý và có thể học hỏi, thưa ông?
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại đã tác động rất nhiều tới các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nói chung và bảo tồn di sản đô thị nói riêng. Với công nghệ AI, lĩnh vực bảo tồn di sản dường như được tiếp cận với “khung trời mới” tràn đầy ánh sáng, nhờ sự khai mở những kiến thức mới, cùng những phương pháp tiếp cận di sản chính xác, đầy khích lệ, hứa hẹn đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả hơn. Sự ưu việt của công nghệ hiện đại, mà AI là một điển hình, đã được nhiều nước phát triển áp dụng, bước đầu đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực Bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị.
Tại Italia, nơi có quỹ di sản khổng lồ, nhờ hệ thống thông tin di sản được số hóa, lưu giữ thống nhất, việc áp dụng công nghệ AI trở nên khả thi và đạt hiệu quả rõ rệt. Việc mô hình hóa di sản dựa trên các dữ liệu số, các thông tin gốc được thực hiện dễ dàng cho nhiều di sản kiến trúc lớn. Tại Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành là một thách thức khó khăn đối với các kiến trúc sư và nhà sử học trong việc nghiên cứu việc bảo tồn nó. Với độ dài hơn 20.000km, một số khu vực của trường thành rất khó tiếp cận, việc kiểm tra theo cách thủ công sẽ rất mất thời gian và công sức của con người. Gần đây, hãng Intel đã hợp tác với Quỹ Bảo tồn Di sản Văn hóa Trung Quốc sử dụng công nghệ máy bay không người lái mới nhất để thu thập hàng nghìn bức ảnh, sau đó phân tích dữ liệu bằng AI để xác định chính xác các khu vực cần phục hồi cho di sản khổng lồ này. Năm 2015, toàn bộ nhà thờ Đức bà Paris đã được quét laser 3D cấu trúc trước khi bị cháy, và dữ liệu này đã hỗ trợ hiệu quả trong việc tái thiết, phục hồi công trình.
Nước ta hiện nay có khoảng 3.500 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, hơn 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Số lượng lớn di tích này đặt ra yêu cầu quản lý, khai thác, bảo tồn, tu bổ, phục hồi, thường xuyên. Vấn đề số hóa di sản đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị. Việc trang bị đầy đủ dữ liệu, lưu trữ, giữ gìn trên nền tảng số về di sản trong nhiều phương diện cụ thể như kiến trúc, vật liệu, màu sắc, nội dung… là giải pháp hữu hiệu giúp cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và di sản đảm bảo được yếu tố nguyên gốc, tránh sự xâm hại làm biến tướng di tích/ di sản.
Tuy vậy, ứng dụng công nghệ mới trong Bảo tồn di sản kiến trúc hiện nay của chúng ta đang ở mức độ khai thác, sử dụng các thiết bị và công nghệ đơn lẻ, mà chưa có hệ thống tích hợp thông tin, sử dụng dữ liệu lớn để tối ưu hóa giá trị dữ liệu và chiết xuất các giải pháp, kết quả có độ chính xác cao hơn. Chúng ta cần sớm đưa những công nghệ mới vào công tác bảo tồn để đạt được hiệu quả cao hơn, cả về thời gian, chi phí, và quan trọng hơn là đảm bảo tính chân xác, sự bền vững của các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, con người phải luôn có vị trí trung tâm trong hệ thống các công nghệ được sử dụng, cũng như trong bảo lưu, nuôi dưỡng, tiếp nối, tạo dựng cái “hồn” của di sản, bởi di sản là của cải vô giá được Ông cha chúng ta trao truyền lại – cho hôm nay và cho mãi mãi mai sau./.
Xin chân thành cảm ơn Ông!