Trang chủ Tin tức Đưa văn hóa bản địa vào đồ án, sinh viên Kiến trúc đạt giải Loa Thành danh giá.

Đưa văn hóa bản địa vào đồ án, sinh viên Kiến trúc đạt giải Loa Thành danh giá.

17/09/2021 - 4:53

Kiến trúc bản địa có thể được coi là “ngôn ngữ kiến trúc của con người” với đầy đủ các thổ ngữ, sắc tộc và tính địa phương của nó“.

(Paul Oliver, tác giả Bách khoa toàn thư về kiến trúc bản địa).

Tính bản địa – nhìn từ sinh viên Kiến trúc ĐH Phương Đông.

“Tính bản địa” nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung luôn là nguồn cảm hứng vô tận, là nền móng sáng tạo cho những ai biết cách khai thác và vận dụng. Tính bản địa không phải là một khái niệm mới trong kiến trúc nhưng cũng chưa bao giờ cũ, nó biểu hiện cụ thể mối quan hệ thống nhất giữa Khí hậu và môi trường – Vật Liệu và Kỹ thuật – Văn hóa địa phương.

Tính bản địa vốn dĩ là những giá trị rất bền vững và đậm đà căn tính, nhất là trong lĩnh vực kiến trúc. Từ những tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng kinh nghiệm bản địa trong sáng tác đồ án, nhiều sinh viên Kiến trúc của trường ĐH Phương Đông đã giành được giải cao trong cuộc thi Đồ án tốt nghiệp Xuất sắc Toàn quốc – giải thưởng Loa Thành danh giá. Trên hành trình của kiến trúc sư trẻ, các bạn đã chia sẻ về vấn đề này.

Chu Danh Hùng Mạnh (giải Nhì giải thưởng Loa Thành) cho biết: “Địa hình, khí hậu và môi trường sống hình thành nên cách thức sinh hoạt, hình thái kiến trúc riêng từng vùng miền. Tính bản địa trong kiến trúc là sự bồi đắp, tích lũy qua nhiều thế hệ, tạo ra văn hóa riêng biệt, chúng ta cần tiếp tục gìn giữ và phát huy”.

Lo lắng về việc đô thị hóa có thể ảnh hưởng đến nét riêng của địa phương, Nguyễn Tiến Dũng (giải Nhì giải thưởng Loa Thành) cho biết: “Ngày nay, nhiều địa phương đã dần mất đi bản sắc do đô thị hóa và công nghiệp hóa, nếu vì thế mà mất đi căn tính bản địa trong kiến trúc thì thật đáng tiếc”.

Còn Đỗ Xuân Huy (giải Ba giải thưởng Loa Thành) nhận định: “Văn hóa bản địa là nền móng, chúng ta cần kế thừa và tạo thêm nhiều “điểm chạm” tiếp nối giữa truyền thống với tương lai”.

Có thể thấy, dù được nhìn qua lăng kính nào thì văn hóa bản địa phong phú của chúng ta luôn là kho báu cho mỗi kiến trúc sư khai thác và vận dụng.

Từ sự chuyên tâm trong nghiên cứu văn hóa và kiến trúc bản địa…

Nét đặc trưng của một vùng đất là điều dễ dàng để nhìn thấy nhưng lại rất khó tái hiện và truyền tải cái hồn của nơi chốn, nhất là trong kiến trúc. Đều khai thác yếu tố bản địa trong đồ án tốt nghiệp, Hùng Mạnh, Xuân Huy và Tiến Dũng đã phải dày công tìm tòi, nghiên cứu nhiều tài liệu.

Chia sẻ về quá trình đổ tâm và sức vào đồ án “Trung tâm văn hóa vùng di sản ruộng bậc thang – Mù Cang Chải – Yên Bái”, Tiến Dũng cho biết: “tôi đã phải đi rất nhiều, tích lũy nhiều trải nghiệm với vùng đất đã chọn. Tôi chọn đề tài ở vùng Tây Bắc vì muốn nghiên cứu sâu hơn về văn hóa, kiến trúc và cách sử dụng vật liệu địa phương của đồng bào dân tộc. Hy vọng tôi có thể góp phần giữ gìn những nét đẹp kiến trúc truyền thống”.

“Chợ phiên Bắc Hà” cũng là một đồ án được đánh giá cao trong việc khai thác văn hóa bản địa, Xuân Huy chia sẻ: “Tôi được sống và giao lưu với bà con dân tộc, được đi chợ phiên, được trải nghiệm, học hỏi và ghi nhớ… Điều này giúp tôi hiểu hơn về mong muốn có một không gian không chỉ là chợ – mà còn chuyển tải cả văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Các vấn đề về dân cư, xã hội,…, đặc biệt là văn hóa đã được tôi nghiên cứu kỹ lưỡng”.

                              Sử dụng vật liệu địa phương trong đồ án Chợ phiên Bắc Hà

Kinh nghiệm các thế hệ trước để lại là kho tàng vô giá về văn hóa bản địa và kỹ thuật xây dựng, rất đáng gìn giữ và tiếp nối”, Hùng Mạnh – tác giả đồ án “Hồi sinh không gian văn hóa Đông Hồ – Chợ tranh Làng Mái” cho biết.

Đến 3 đồ án đạt giải Loa Thành của sinh viên ĐH Phương Đông.

Từ những nghiên cứu tỉ mỉ về văn hoá bản địa, các bạn đã gặt hái được quả ngọt mong đợi. Đồ án của 3 sinh viên trên đều đạt giải Loa Thành đầy danh giá.

Trung tâm văn hóa vùng di sản ruộng bậc thang – Mù Cang Chải – Yên Bái” của Nguyễn Tiến Dũng đã ứng dụng triệt để các vật liệu địa phương như đá, gỗ, mái lá và cả đất … khai thác tại chỗ. Những yếu tố tự nhiên như dòng suối, cây xanh, đặc biệt là địa hình đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Quần thể công trình cho thấy sự ăn nhập với bối cảnh, gần gũi với văn hóa bản địa, hài hòa nét duyên của kiến trúc vùng Tây Bắc. Đồ án đã thể hiện sự tôn trọng các điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương, cũng là sự cẩn trọng của tác giả từ lúc đặt những nét vẽ ý tưởng đầu tiên.

Cùng khai thác văn hóa bản địa vùng Tây Bắc, “Chợ phiên Bắc Hà” của Xuân Huy được đánh giá cao khi ứng dụng kỹ thuật nhà trình tường của người Mông. “Yếu tố bản địa nằm ở tường, hệ kết cấu cột và mái lợp của chợ. Hệ kết cấu chịu lực của tường đất bao che để cách nhiệt, mái rạ lợp trên hệ mái gỗ nhằm giảm tải sức nặng cho công trình, không gian mở tạo sự thông thoáng và phù hợp tập quán sinh hoạt của bà con dân tộc”.

Với đồ án Hồi sinh không gian văn hóa Đông Hồ – Chợ tranh Làng Mái, Hùng Mạnh gặp vấn đề “cực khó” khi trên khu đất nghiên cứu tồn tại Đình Láng Mái, phía trước lại bị khống chế bởi một con đê. Yêu cầu đặt ra phải mở rộng được không gian hoạt động trưng bày tranh Đông Hồ, hồi sinh chợ tranh truyền thống để phục vụ du lịch, vừa giữ được nguyên trạng đình làng. Đồng thời, hoạt động của bảo tàng và chợ tranh không được ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của đình.

Sau nhiều trăn trở, tìm tòi, thay đổi, can đảm “rũ bỏ” ý tưởng đã gần hoàn thiện để bắt đầu lại, vì cảm thấy “chưa đúng, chưa thỏa đáng, chưa yên tâm”, Mạnh đã tìm ra giải pháp tạo hai không gian cùng tồn tại theo hai chiều ký ức: không gian trên mặt đất giữ nguyên trạng, với trung tâm là ngôi đình để bảo lưu, tôn vinh những giá trị truyền thống; không gian thứ hai được đưa xuống lòng đất ở xung quanh ngôi đình, bố trí các không gian trưng bày, giao dịch tranh Đông Hồ. Ý tưởng này đã được Hội đồng chấm giải Loa Thành đánh giá cao, thể hiện sự tinh tế của người thiết kế.

Văn hóa sinh hoạt cộng đồng được mình đưa vào thiết kế qua tổ hợp nhiều không gian chức năng, dịch vụ được bố trí xung quanh di tích Đình Làng Mái. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, sử dụng vật liệu, hình thức kiến trúc cũng được thể hiện trong từng chi tiết”, Mạnh chia sẻ. “Với mình, ý tưởng đồ án gói gọn trong 4 từ này thôi: Trăng Đất – Hồn Làng”.

Tâm huyết với bản sắc dân tộc và tài năng thiết kế chính là chìa khóa đem lại thành công cho ba sinh viên ĐH Phương Đông nói trên, cũng nhiều sinh viên khác của trường đã giành giải thưởng Loa Thành danh giá. Bên cạnh đó, sự dẫn dắt, hỗ trợ tận tâm từ giảng viên hướng dẫn của trường đã góp phần định hướng và hoàn thiện đồ án.

Giảng viên hướng dẫn là người có thể cân bằng giữa tính thực thế và sự mơ mộng, non trẻ trong đồ án. Họ có góc nhìn đa chiều, sâu sắc từ những kinh nghiệm thực, đó chính là thứ mà một người trẻ như mình còn thiếu”, Hùng Mạnh cho biết. Hiện tại, sau 3 năm ra trường, Mạnh đã phát triển công ty kiến trúc riêng với thương hiệu CHUM Architects. Những công trình do Mạnh thiết kế tiếp tục cho thấy con đường đã chọn: sáng tạo trên nền văn hóa bản địa, đề cao tính dân tộc trong kiến trúc.

Tại khoa Kiến trúc – công trình, trường ĐH Phương Đông, từ nhiều năm trước đã triển khai đào tạo chuyên sâu về văn hóa kiến trúc truyền thống, đặc biệt cho sinh viên chuyên ngành Kiến trúc phương Đông. Được hướng dẫn, khuyến khích từ các giảng viên, có thể khẳng định, những nỗ lực tìm tòi, khai thác văn hóa bản địa trong sáng tạo kiến trúc đã bước đầu mang đến thành công cho những bạn trẻ. Giải Loa Thành là thành quả xứng đáng đồng thời cũng là động lực mạnh mẽ để những bạn trẻ nói trên tiếp tục sáng tạo. Song, con đường phía trước còn rất dài để các kiến trúc sư trẻ tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn này./.