Ngành Kinh tế xây dựng

  1. Học ngành kinh tế xây dựng ra làm những việc gì?

Ngành kinh tế xây dựng nói chung là làm các công việc về quản lý mảng kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình. Kỹ sư kinh tế xây dựng đảm nhiệm việc tính toán giá trị, phân tích và hoạch định kế hoạch tài chính của các dự án đầu tư, lập giá, quản lý chi phí trong quá trình đầu tư xây dựng, từ khi lập hồ sơ thiết kế, thẩm tra, thẩm định (kiểm soát chi phí), đến giai đoạn thanh toán, quyết toán. Ở giai đoạn nào trong quá trình hình thành các công trình xây dựng trong các dự án đầu tư, cũng cần có sự góp sức của các kỹ sư kinh tế xây dựng.

Một số công việc cụ thể đáp ứng các nhu cầu tìm kiếm nhân sự của các nhà tuyển dụng đang đặt ra hiện nay đối với các kỹ sư kinh tế xây dựng như sau:

  • Nhóm công việc các chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn xây dựng tuyển dụng:
  • Lập tổng mức đầu tư, lập dự án đầu tư,
  • Phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế dự án đầu tư,
  • Tính toán và kiểm soát, quản lý khối lượng xây dựng (đo bóc khối lượng), lập và quản lý định mức, đơn giá.
  • Lập dự toán, kiểm tra, thẩm tra, thẩm định dự toán,
  • Quản lý hợp đồng, đàm phán tìm kiếm nhà thầu,
  • Lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu,
  • Quản lý dự án..,
  • Nhóm công việc nhà thầu cần tuyển dụng:
  • Lập hồ sơ dự thầu, xác định giá gói thầu xây dựng,
  • Lập hồ sơ thanh toán, hồ sơ quyết toán công trình,
  • Quản lý vật tư, kiểm soát định mức, đơn giá, khối lượng, chi phí.
  • Lập hồ sơ thanh toán, quyết toán,
  • Quản lý hợp đồng, đàm phán tìm kiếm nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật tư..
  • Lập hồ sơ chất lượng công trình,
  • Hạch toán, kế toán xây dựng..

Bên cạnh cụm từ kỹ sư kinh tế xây dựng thì kỹ sư dự toán, kỹ sư định giá, kỹ sư khối lượng, kỹ sư kiếm soát chi phí hay kỹ sư QS (Quantity Surveyor) là các cách gọi cụ thể mà các nhà tuyển dụng thường đăng tin để tìm kiếm nhân sự trong lĩnh vực này.

Ngoài các nhà thầu tư vấn xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng, kỹ sư kinh tế xây dựng có thể ứng tuyển vào các cơ quan làm việc tại các ngân hàng (quản lý mảng đầu tư xây dựng), các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, tại các ban quản lý về đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế. Thực tế là, ngành nào cũng cần xây dựng để đáp ứng nhu cầu hoạt động, sản xuất kinh doanh của mình. Hoặc có thể ứng tuyển vào làm quản lý chuyên môn về xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp phòng tại các quận, huyện, cấp tỉnh tại các sở ban ngành về xây dựng, giao thông, thủy lợi, công nghiệp, nông nghiệp phát triển nông thôn, hạ tầng.. tại các tỉnh, và cao hơn là các cơ quan quản lý cấp Bộ.

  1. Khả năng tìm được việc ngay sau khi ra trường và cơ hội duy trì, phát triển sự nghiệp lâu dài đối với ngành này ra sao?

Với  sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế- xã hội, việc xây dựng các công trình để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều hơn, đa dạng, hiện đại, thẩm mỹ, tiện nghi hơn, kéo theo việc xây dựng các công trình không chỉ ở các đô thị lớn và ở khắp các vùng miền. Quá trình đó, không thể thiếu sự góp sức của các kỹ sư kinh tế xây dựng, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư…Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư kinh tế xây dựng của các doanh nghiệp xây dựng, các chủ đầu tư, các ngân hàng, các cơ quan quản lý về xây dựng ngày càng nhiều và rộng khắp. Do đó, việc tiếp cận công việc ngay sau khi tốt nghiệp bằng chính năng lực của mình đối với các kỹ sư ngành kinh tế xây dựng là luôn rộng mở. Khả năng thăng tiến, duy trì và phát triển sự nghiệp cũng rất đa dạng và nhiều cơ hội.

Mức lương phổ biến hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự chi trả cho kỹ sư kinh tế xây dựng mới ra trường tối thiểu thường là 10-15 triệu đồng. Sau 1 -2 năm kinh nghiệm và mức tăng năng lực đáp ứng nhu cầu công việc, mức lương thường là 15-25 triệu. Với những nhân sự có trau dồi kinh nghiệm và kỹ năng, trang bị tiếng anh, ứng dụng công nghệ thông tin, dần trở thành những thành viên những vai trò quan trọng như kiểm soát sản phẩm, trưởng nhóm, chủ trì bộ môn, chủ nhiệm dự án, quản lý trong các công ty xây dựng. Mức lương thường sẽ là 25-30 triệu trở lên.

Hơn nữa, số trường đào tạo kỹ sư kinh tế xây dựng không nhiều, nguồn nhân sự không bị dư thừa, ồ ạt như một số ngành nghề khác. Ưu thế của công việc này là làm công tác về kinh tế trên cơ sở được trang bị nền tảng kiến thức về kỹ thuật ngành xây dựng. Do đó, để đảm nhận các công việc về mảng này phải là các kỹ sư kinh tế xây dựng được đào tạo bài bản, nghiêm túc. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp đối với kỹ sư ngành kinh tế xây dựng là rất hiếm.

  1. Mới ra trường chưa có kinh nghiệm ngành này tìm việc khó không?

Một số doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự ngành kinh tế xây dựng thường ghi rõ chấp nhận sinh viên mới ra trường, thực tập sinh, là những cơ hội thuận lợi cho sự bắt đầu của các bạn. Bản chất thực sự của yêu cầu về kinh nghiệm chính là đòi hỏi là khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể, xử lý các tình huống phát sinh trong thực tế. Việc trau dồi những kiến thức và  kỹ năng này từ các giảng viên nhiều kinh nghiệm thực tiễn, là cách trang bị rất tốt cho các bạn để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc. Ai ai cũng đã từng có ngày bắt đầu như vậy, và tất cả cũng đã lớn lên không ngừng.

Các bạn hãy tự tin và luôn nỗ lực, với sự dìu dắt của các giảng viên tại ngành Kinh tế xây dựng, Khoa Kiến trúc – Công trình, đại học Phương Đông, việc này không khó! Chúng ta không chỉ sử dụng kinh nghiệm tự mình rút ra, mà cách nhanh hơn là dùng kinh nghiệm học được từ những người đi trước, là các thầy cô luôn mong muốn được truyền cho các bạn, mong các bạn tiến bước và vươn xa. Trải qua các học phần kiến thức chuyên ngành, các đồ án môn học gắn với thực tiễn, thực tập, làm đồ án và bảo vệ đố àn tốt nghiệp, các bạn được chuẩn bị rất tốt để sẵn sáng cho sự bắt đầu này!

  1. Ngành kinh tế xây dựng tại Đại học Phương Đông tuyển sinh như thế nào?

Ngành Kinh tế xây dựng  gồm 2 chuyên ngành: Kinh tế và quản lý xây dựng, Quản lý dự án xây dựng.

Mã ngành xét tuyển: 758030101; Xét tuyển học bạ và xét điểm thi THPT

  • Tổ hợp môn xét tuyển:

A00: Toán, Lý, Hóa

A01: Toán, Lý, Anh

C01: Toán, Ngữ Văn, Vật Lý

D01: Toán, Ngữ Văn, Anh

– Xét học bạ cách 1:  Sử dụng kết quả 03 môn từ điểm trung bình học tập ba học kỳ (hai học kỳ lớp 11, học kì 1 lớp 12). Điểm trung bình 3 học kỳ của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên.

– Xét học bạ cách 2: Sử dụng kết quả học tập trung bình năm lớp 12. Điểm trung bình học tập năm lớp 12 đạt 6,5 trở lên.

– Sử dụng điểm tốt nghiệp THPT, tổng điểm 3 môn của một trong các tổ hợp nói trên, đạt ≥ 15 điểm.

– Đủ điều kiện theo một trong các cách trên, các bạn hãy đăng ký ngay trên cổng tuyển sinh của Bộ Giáo Dục và đào tạo: https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn; mã trường  DPD, mã ngành: 758030101 với NV1 để đạt được nguyện vọng về kế hoạch học tập và công việc sau này của mình nhé.

Thí sinh cần tư vấn thông tin tuyển sinh vui lòng inbox hoặc gọi đến số: 0243.784.7110/ 0969.157.428

Chúng ta sẽ cùng nhau bằng sự tận tâm, biến điều chưa thể thành điều có thể, tương lai tốt đẹp sẽ trong tầm tay các bạn cùng với sự nỗ lực không ngừng của chúng tôi và các bạn!